Kiến Tạo Bất Động Sản Nhân Văn - bền vững

Tin tức

Ngoài Cát Lái, Đồng Nai và TP.HCM đang bàn tính để xây thêm những cây cầu nào?

2603-2024
TP.HCM và Đồng Nai đang tích cực trao đổi để sớm có phương án triển khai xây dựng Cầu Cát Lái – cây cầu đã được quy hoạch hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. Bên cạnh dự án này, sẽ có thêm 2 cây cầu khác kết nối giữa TP.HCM với Đồng Nai được đề xuất nghiên cứu đầu tư.
Ngoài Cát Lái, Đồng Nai và TP.HCM đang bàn tính để xây thêm những cây cầu nào?
 

Cầu thay thế phà Cát Lái nối TP.HCM với Nhơn Trạch (Đồng Nai) hàng chục năm vẫn chưa xây dựng

Tại Hội nghị Trao đổi hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4, quý I-2024, tổ chức mới đây, lãnh đạo của TP.HCM và Đồng Nai đã tiếp tục có những ý kiến về phương án triển khai xây dựng các cây cầu kết nối giữa hai địa phương.

Trong đó, với dự án cầu Cát Lái, sau nhiều lần bàn thảo, hai bên thống nhất hướng tuyến dự án xây dựng cầu Cát Lái theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, với quy mô đầu tư 6 làn xe.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai vừa qua cũng đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, thiết kế và dự toán chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xây dựng cầu Cát Lái.

Theo đó, việc xây cầu Cát Lái sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Theo quyết định, cầu Cát Lái là dự án nhóm A, thuộc công trình cấp đặc biệt. Vì vậy, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án phải phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành giao thông cũng như nhu cầu sử dụng đất, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Về thời gian xây dựng cầu Cát Lái, phía TP.HCM cho rằng, nên xây dựng sau năm 2030 bởi trong giai đoạn 2026 – 2030, TP.HCM sẽ thực hiện và đưa vào khai thác dự án tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3.

Mặc dù vậy, phía lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vẫn giữ quan điểm nên đầu tư dự án quan trọng này trước năm 2025.

Cụ thể, tại hội nghị mới đây, tỉnh Đồng Nai đề nghị TP.HCM xem xét, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong năm 2024, khởi công xây dựng vào năm 2025 nhằm đưa dự án sớm hoàn thành giảm tải áp lực kết nối giao thông hai địa phương, đặc biệt khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Ngoài Cát Lái, Đồng Nai và TP.HCM đang bàn tính để xây thêm những cây cầu nào?

Cầu Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Ngoài cầu Cát Lái, sau nhiều lần làm việc, Đồng Nai và TP.HCM cũng đã thống nhất phương án xây dựng thêm hai cầu kết nối giữa các khu vực của hai địa phương.

Cụ thể, cầu Đồng Nai 2 sẽ nối huyện Long Thành với TP.Thủ Đức. Điểm đầu cầu được dự kiến nối Vành đai 3 tại nút giao Gò Công - đường nhánh từ tuyến vành đai ra xa lộ Hà Nội (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức); điểm cuối nối đường ĐT 777B (xã Tam An, huyện Long Thành). Quy mô cầu phục vụ 6 làn xe, đầu tư giai đoạn 2026-2030.

Cầu Phú Mỹ 2 nối huyện Nhơn Trạch qua quận 7 ở phía nam TP.HCM. Công trình từ phía bờ huyện Nhơn Trạch vượt sông Đồng Nai, đi theo đường Hoàng Quốc Việt (6 làn xe) rồi nối vào nhánh rẽ với tuyến Nguyễn Lương Bằng. Sau đó, cầu nối với đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ Nguyễn Lương Bằng đến Nguyễn Hữu Thọ sẽ có 4 làn xe).

Đồng Nai kiến nghị TP.HCM bổ sung quy hoạch đường dẫn lên cầu 8 làn xe để đồng nhất tỉnh lộ 25C dự kiến xây trong giai đoạn 2026 - 2030.

Hiện nay, để kết nối giữa TP.HCM và Đồng Nai chủ yếu thông qua tuyến quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và phà Cát Lái nối TP. Thủ Đức (quận 2 cũ) với Nhơn Trạch. Tuy nhiên, những tuyến giao thông này hiện đang quá tải và nguy cơ không đáp ứng nhu cầu giao thông trong thời gian tới.

Trong khi chờ đợi cầu Cát Lái và những cây cầu khác được đầu tư xây dựng, hiện nay công trình cầu Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3 đang được kỳ vọng là giải pháp trước mắt để tăng cường kết nối giữa TP.HCM với Đồng Nai.

Cây cầu này đã được khởi công từ tháng 9/2022 với chiều dài hơn 2km, rộng 19,75m và phần đường dẫn 2 đầu cầu dài 560m. Tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành tháng 4/2025.

Khi hoàn thành, cầu Nhơn Trạch không chỉ giải quyết bài toán kết nối giao thông giữa hai địa phương TP.HCM và Đồng Nai mà còn giúp hoàn thiện hạ tầng liên kết vùng với các tỉnh Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương.

 
 

Tin Liên Quan