Kiến Tạo Bất Động Sản Nhân Văn - bền vững

Tin tức

Đất rẫy tăng giá gấp 5 lần 'đón sóng' cao tốc ở Tây Nguyên

2305-2022
Việc gom đất, thổi giá "đón đầu" hai dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa và Chơn Thành (Bình Phước) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) khiến chính quyền các địa phương vất vả ngăn chặn.

Ngày 22-5, tại nhiều trang môi giới, đất dọc quốc lộ 26 (Đắk Lắk) vẫn quảng cáo rầm rộ đã tách từng nền, pháp lý rõ ràng, "đón sóng hạ tầng theo các ông lớn bất động sản, vị trí cạnh đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa".

Dự án đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa (dài gần 118km, tổng vốn gần 22.000 tỉ đồng) đang trong quá trình chuần bị đầu tư nhưng giá đất nhiều nơi đã tăng lên gấp 5 lần với các lời mời gọi có cánh về cơ hội kiếm lợi trong nay mai.

Cá biệt một số vị trí đất, giới đầu cơ còn rao thêm là "gần tuyến đường sắt Đắk Lắk - Phú Yên (chưa có trong quy hoạch giai đoạn này - PV) và khu nghỉ dưỡng, sân golf… (doanh nghiệp mới đề xuất - PV)" để đẩy giá đất trồng cây lâu năm từ 1 tỉ lên hơn... 10 tỉ đồng/ha (tức gấp 10 lần).

 

Đất rẫy tăng giá gấp 5 lần 'đón sóng' cao tốc ở Tây Nguyên
 

 

Việc gom đất, mở đường bêtông, phân lô bán nền đất nông nghiệp tại xã Đắk Sin, huyện Đắk R'lấp hiện vẫn khá náo nhiệt khi thông tin cao tốc được công bố - Ảnh: TÂM AN

Trong khi đó, dự án đường cao tốc Chơn Thành (Bình Phước) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) mới được đưa vào quy hoạch giai đoạn 2021-2025, dự kiến có chiều dài 140km, đã cắm 192 mốc tim đường để xác định hướng tuyến và sẽ thu hồi khoảng 400ha đất.

Từ những thông tin này, giới đầu cơ đất đã "bắt sóng" rất nhanh, rầm rộ quảng cáo tiềm năng và lợi thế của đất dọc cao tốc này.

Các công ty bất động sản, giới đầu cơ từ nhiều nơi mua gom đất tại các xã Đắk Sin, Đắk Ru, thị trấn Kiến Đức, một số địa phương thuộc TP Gia Nghĩa rồi phân lô (500- 1.000m2/lô), rao bán với giá từ 450-800 triệu đồng/1.000m2.

Bà T. (trú TP.HCM) cho biết đất ở trung tâm xã Đắk Sin cách lối ra cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa khoảng 10km nên rất thuận lợi, đang rất sốt, mua ngay kẻo hết… "Sau này cao tốc hoàn thành, mình có mảnh vườn trên núi để nghỉ dưỡng sẽ rất phù hợp anh ạ. Anh không cần mua cả hecta, chỉ mua 1-2 sào làm nhà vườn là quá ổn", bà T. mời chào.

Để tránh những hệ lụy sau này, khi dự án triển khai, ông Trần Trung Hiển, chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết tỉnh có một tổ chuyên biệt về dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa (trong ban chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh).

Tỉnh ủy Đắk Lắk yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ mặt bằng, hướng tuyến để làm cơ sở cắm mốc, bàn giao mặt bằng. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tuyệt đối không để xảy ra việc xây dựng trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa dọc tuyến cao tốc này…

Trong khi đó, ông Ngô Thanh Danh, bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, cho biết đã chỉ đạo các địa phương thành lập đoàn tổ chức rà soát, kiểm tra cọc mốc, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ cọc mốc.

"Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan tổ chức bay flycam ghi nhận, kiểm đếm hiện trạng để làm cơ sở bồi thường sau này khi dự án triển khai. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương ngăn chặn việc tách thửa, sang nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép.

Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, tôi đã nói rất nhiều về lợi ích dự án, bà con cũng rất đồng tình. Người dân sẵn sàng hy sinh chút lợi ích, mong cao tốc sớm hoàn thành", ông Danh chia sẻ.

Tin Liên Quan