Kiến Tạo Bất Động Sản Nhân Văn - bền vững

Tin tức

Đâu là cơ hội mới cúa bất động sản Đà Nẵng

0510-2022
Mặc dù vẫn còn đó những tồn tại liên quan đến các dự án chậm tiến độ, các dự án sai phạm trong quá trình cổ phần hóa và các dự án huy động vốn trái phép, nhưng nhìn vào bức tranh tổng thể của thị trường bất động sản Đà Nẵng vẫn có những điểm sáng với nhiều cơ hội phát triển mới.

Giới quan sát thị trường nhận định, những tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận ghi nhận những tín hiệu khởi sắc về nguồn cung và tình hình tiêu thụ ở hầu hết các phân khúc.

Ghi nhận từ Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam) cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, phân khúc đất nền có 11 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 1.556 nền, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước (khoảng 936 nền). Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng 60% (tương ứng 940 nền), tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm 2021 (571 nền).

Trong khi mặt bằng giá sơ cấp ở phân khúc đất nền ghi nhận mức tăng trung bình khoảng 18% thì giá bán thứ cấp tăng từ 5-15% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, phân khúc nhà phố - biệt thự ghi nhận 7 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 656 căn, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước.

Phân khúc này ghi nhận tỷ lệ tiêu thụ chung trên toàn thị trường đạt khoảng 83%, tương đương 542 căn, gấp 2,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021.

Theo DKRA Vietnam, giá bán sơ cấp đối với phân khúc nhà phố - biệt thự được ghi nhận tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ. Đồng thời giá bán thứ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang và không có nhiều biến động so với cùng kỳ.

Đối với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường đón nhận nguồn cung mới đến từ 3 dự án với khoảng 103 căn, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước (15 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 54% (tương đương 56 căn), gấp 28 lần so với 6 tháng đầu năm 2021.

Do chi phí đầu vào, lạm phát ngày càng tăng tạo áp lực lên giá bán nên giá bán sơ cấp biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận mức tăng từ 8-10% so với nửa đầu năm 2021.

Thống kê từ Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện trên địa bàn thành phố này có nhiều dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Đơn cử như hàng trăm căn nhà ở biệt thự hình thành trong tương lai thuộc dự án Khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò do Công ty Cổ phần Địa Cầu làm chủ đầu tư; 511 căn hộ chung cư hình thành trong tương lai tại dự án Khu căn hộ Asiana do Công ty TNHH Asiana Paramount làm chủ đầu tư; Dự án căn hộ The Filmore do Công ty CP Phát triển Bất động sản Filmore với 206 căn hộ chung cư; Dự án Khu nhà ở phía đông đường Trần Đăng Ninh do Công ty CP Đất Xanh Miền Trung làm chủ đầu tư; Dự án Tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Duyên hải Miền Trung do Công ty TNHH DVDL và TM Minh Đông làm chủ đầu tư,…

Bên cạnh đó còn có Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp Empire do Công ty CP ĐTPT và XD Thành Đô làm chủ đầu tư, với hơn 200 căn nhà liền kề, biệt thự và 700 căn hộ chung cư tòa nhà Cổ Cò 4 (HH7); Khu phức hợp đô thị thương mại cao tầng Phương Trang - Khu E do Công ty CP Đầu tư Phương Trang làm chủ đầu tư.

Riêng về phân khúc nhà ở xã hội tại thành phố Đà Nẵng luôn là đề tài nóng, được mổ xẻ, tranh luận tại nhiều diễn đàn, nhất là tại các kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng.

Giữa thời điểm quỹ nhà ở xã hội đang cạn dần, người dân có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội vẫn đang theo dõi sát sao tiến độ của các dự án nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội với 7.023 căn hộ. Trong đó, đã hoàn thành 2.040 căn hộ và đang triển khai 4.983 căn hộ.

Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết hiện thành phố đang kêu gọi đầu tư 4 dự án nhà ở xã hội với quy mô 4.119 căn hộ.

Đi cùng với sự phát triển tích cực nêu trên, thì thị trường bất động sản Đà Nẵng thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế có liên quan.

Đơn cử như việc tạo chiêu trò thổi giá bất động sản tại huyện Hòa Vang; việc thu hồi các dự án chậm tiến độ; xử lý các dự án sai phạm liên quan đến cổ phần hóa tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng; dự án của Công ty cổ phần kinh doanh nhà Phú Gia Thịnh huy động vốn trái phép…

Sau một thời gian dài im ắng do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản Đà Nẵng đầu năm 2022 bất ngờ sốt trở lại do một số môi giới tung ra các chiêu trò thổi giá nhằm tạo sốt đất ảo để trục lợi buộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng liên tục phát đi các bản tin cảnh báo về những vấn đề liên quan đến sốt đất.

Bản tin thứ nhất được phát đi vào đầu tháng 3/2022, cảnh báo về tình trạng môi giới chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở nhằm trục lợi trái phép trên địa bàn thành phố, nhất là tại huyện Hòa Vang. Bản tin thứ hai được phát đi vào ngày 7/4/2022, cảnh báo chiêu trò 'thổi giá đất lên cao, gây sốt ảo' từ các nhóm người có chủ ý để trục lợi.

Tình trạng này chỉ tạm lắng xuống khi báo chí vào cuộc phản ánh vấn đề này. Nhiều người đặt câu hỏi đất Đà Nẵng sốt thật hay sốt ảo? Nếu là sốt ảo thì người nào đứng phía sau giật dây?

Ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), cho biết có tình trạng sốt đất nông nghiệp xảy ra trên địa bàn này. Một trong những nguyên nhân là do Đà Nẵng phê duyệt Đề án thí điểm du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Ngày 4/8 vừa qua, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, cho biết thành phố chưa cho phép việc phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp theo Nghị định 148 bởi thời gian qua đã phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Đối với các dự án “treo”, ông Vinh cho rằng quan điểm của thành phố là thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu đã quá 3 năm chưa triển khai, thì điều chỉnh quy hoạch hoặc thu hồi dự án không khả thi.

Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng đã phối hợp rà soát, kiến nghị thu hồi 56 dự án không khả thi. Tuy vậy, thực tế việc thu hồi đất đối với nhiều dự án chậm triển khai cũng gặp những vướng mắc.

Ngày 30/8 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Đà Nẵng có Báo cáo số 723/BC-STNMT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công khai các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

Theo đó, qua kết quả tổng hợp, rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, từ thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực ngày 01/7/2014, UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai tại địa phương.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cũng đã chủ động thực hiện, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đối với các tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố.

Qua kết quả kiểm tra đã xác định 82 dự án, khu đất có hành vi vi phạm pháp luật thuộc trường hợp phải gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định điểm i, khoản 1 Điều 64 Luật đất đai 2013 và điểm d, khoản 12, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ quy định về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố ban hành các Quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo đúng quy định. Các chủ đầu tư, người sử dụng đất đã nộp tiền gia hạn sử dụng đất vào ngân sách, với số tiền khoảng 345 tỷ đồng.

Tính đến nay còn 17 dự án, khu đất còn trong thời gian gia hạn; 5 khu đất của Công ty Cổ phần Khang Hưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước đối với thời gian gia hạn 24 tháng; 5 khu đất của Công ty Cổ phần Dây cáp điện Tân Cường Thành vừa hết thời gian gia hạn.

Ngoài ra, qua kiểm tra xác định 2 trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật thuộc trường hợp phải thu hồi đất theo quy định điểm g, khoản 1 Điều 64 Luật đất đai 2013.

Thực hiện quy định pháp luật về nhà ở, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Đà Nẵng triển khai 43 dự án nhà ở thương mại với 26.850 căn, có diện tích sử dụng đất khoảng 2.154ha và tổng vốn đầu tư hơn 51.300 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong số 43 dự án này thì có nhiều dự án đã được UBND thành phố Đà Nẵng chấp thuận chủ trường đầu tư cho nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn như Sun Group, FPT, Tập đoàn Đông Đô, Tập đoàn Trung Nam, Đất Xanh Miền Trung,…

Hiện nay, UBND thành phố Đà Nẵng đang tổ chức điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 để phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 vừa được phê duyệt.

Trong đó, phải đảm bảo chỉ tiêu phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng lần này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho thị trường bất động sản thành phố trong thời gian tới.

Ngày 29/8 vừa qua, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng phát đi Công văn số 6302/SXD-QLN về việc yêu cầu phối hợp triển khai khảo sát nhu cầu về nhà ở.

Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các quận, huyện giao cho các phường, xã đến từng hộ gia đình để khảo sát về nhu cầu nhà ở của 3 nhóm đối tượng.

Cụ thể là người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh khảo sát nhu cầu nhà ở của các đối tượng nêu trên, Sở Xây dựng thành phố cũng sẽ triển khai khảo sát nhu cầu nhà ở ở của các đối tượng khác theo hình thức phù hợp có liên quan.

Cuối tháng 6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, trong đó thống nhất với việc xác định 3 trụ cột cần tập trung phát triển như đề xuất của thành phố này.

Trụ cột thứ nhất là du lịch gắn với bất động sản nghĩ dưỡng và trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế.

Trụ cột thứ hai là kinh tế tri thức, với 2 mũi nhọn gồm công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Trụ cột thứ 3 là trung tâm dịch vụ chất lượng cao gắn với 2 mũi nhọn gồm, cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

Ngày 12/7 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng đã có Tờ trình số 334/TTr-SKHĐT về việc đề nghị thẩm định Quy hoạch thành phố Đà Nẵng và thẩm định Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2030 xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.

Đà Nẵng sẽ là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.

Đây cũng là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Đà Nẵng cũng sẽ là đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống.

Trong giai đoạn tới, Đà Nẵng sẽ tập trung vào nhiều động lực phát triển như, xác định đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện là nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Tập trung phát huy vai trò của các thành phần kinh tế, gồm kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Một động lực khác là tận dụng và phát huy cơ hội của xu thế phát triển khu vực và quốc tế, sự dịch chuyển các luồng đầu tư, làn sóng đầu tư theo hướng có lợi cho Việt Nam và thành phố.

Ngày 12/8 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với nội dung quy hoạch của thành phố.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh nội dung quy hoạch đảm bảo phục vụ công tác thẩm định được hoàn thành đúng kế hoạch.

Nội dung: Phước Bình - Thiết kế: Xuân Triều

Tin Liên Quan