Kiến Tạo Bất Động Sản Nhân Văn - bền vững

Tin tức

Tiềm năng phát triển kinh tế tại Cam Lâm

1403-2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa tiềm năng phát triển kinh tế tại Cam Lâm

Chiều 12-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ tiếp tục khảo sát thực địa tại khu vực mà Tập đoàn Vingroup mong muốn triển khai dự án ở huyện Cam Lâm. Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Về phía tỉnh Khánh Hòa, có các ông: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tiềm năng phát triển kinh tế của huyện Cam  Lâm - CafeLand.Vn...

Tại địa điểm khảo sát, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup đã báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên của đoàn công tác về ý tưởng đầu tư dự án đại đô thị trên địa bàn huyện Cam Lâm. Theo đó, khi dự án được triển khai sẽ biến vùng đất nông thôn, miền núi trở thành đô thị cao cấp mang đẳng cấp quốc tế. Nổi bật là trung tâm, trí tuệ toàn cầu, trung tâm y tế, giáo dục, cùng các dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp thuộc hàng đầu thế giới. Nếu được phê duyệt, đến tháng 6-2023 dự án khởi công và sau 2 năm hình hài của khu đô thị phức hợp sẽ thành hình. Tập đoàn Vingroup mong muốn được đầu tư phát triển dự án ở Cam Lâm để trở thành một thành phố mới, đẳng cấp quốc tế, chất lượng môi trường sống tốt và là trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, tạo tiền đề để đến năm 2030 Khánh Hòa phát triển toàn diện và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh ý tưởng đầu tư của Tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên, để dự án tạo được sự đồng thuận, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia và người dân về ý tưởng này. Nếu dự án được triển khai, cần phải tạo nên một đô thị xanh, thông minh, trở thành một trung tâm trí tuệ toàn cầu; tạo công ăn việc làm cho người địa phương. Đặc biệt, chủ đầu tư cần tạo ra hình mẫu về tái định cư, người dân phải có điều kiện sống cao hơn hẳn nơi ở cũ và đảm bảo sinh kế lâu dài. Bên cạnh đó, khu đô thị cần bảo tồn được không gian văn hoá trước đây. Về phía bộ ngành và địa phương, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải phối hợp với chủ đầu tư trong tiến hành các thủ tục sao cho đúng luật, tránh lợi ích nhóm, phiền hà; và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp

Tin Liên Quan